Lợi Ích Kinh Tế Là Gì? Đặc Trưng Và Vai Trò Của Lợi Ích Kinh Tế

Sự tăng trưởng và phát triển của nền kinh tế là kết quả của những hoạt động có ý thức, có động cơ của con người để theo đuổi những mục tiêu về lợi ích kinh tế nhất định. Do đó, lợi ích kinh tế được xem là một động lực có vai trò quan trọng thúc đẩy tiến bộ xã hội và phát triển kinh tế. Cùng chúng tôi tìm hiểu kỹ hơn qua bài viết Lợi ích kinh tế là gì dưới đây nhé

  1. Khái niệm

Lợi ích là sự thỏa mãn nhu cầu của con người, có thể là về vật chất hay tinh thần. Tuy nhiên trong quá trình tồn tại của con người và đời sống xã hội thì lợi ích vật chất có vai trò thúc đẩy mạnh mẽ hơn các hoạt động của con người.

Lợi ích kinh tế là lợi ích xuất phát từ nhu cầu vật chất của con người, nó phản ánh phản ánh mức độ thỏa mãn về nhu cầu vật chất của mỗi con người, mỗi chủ thể, nó cũng phản ánh quan hệ giữa con người với con người khi tham gia vào các hoạt động kinh tế xã hội để tạo ra của cải vật chất cho mình.

Gắn với chủ thể kinh tế khác nhau mà lợi ích kinh tế cũng biểu hiện dưới những dạng khác nhau: lợi ích của doanh nghiệp là lợi nhuận, lợi ích của người lao động là thu nhập,…

  • Các đặc trưng của lợi ích kinh tế

Lợi ích kinh tế mang tính khách quan: Xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu về vật chất của con người cũng ngày càng cao, mà mức độ thỏa mãn nhu cầu vật chất phụ thuộc vào các yếu tố như số lượng, chất lượng của hàng hóa, dịch vụ,… Do đó, để có lợi ích kinh tế đòi hỏi phải xuất phát từ các yếu tố khách quan.

Lợi ích kinh tế là kết quả của quan hệ phân phối: Quá trình phân phối thu nhập tùy thuộc vào các yếu tố như trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, quan hệ sản xuất, cơ chế thị trường. Nếu mức thu nhập được phân phối hợp lý thì lợi ích kinh tế sẽ trở thành động lực để phát triển, ngược lại nếu mức thu nhập phân phối không hợp lý thì lợi ích kinh tế sẽ trở thành rào cản cho quá trình phát triển.

Lợi ích kinh tế là quan hệ xã hội: Để đạt được lợi ích kinh tế của mình, các chủ thể phải tương tác, hình thành các mối quan hệ hợp tác. Một mối quan hệ công bằng, hợp lý, đồng thuận sẽ thúc đẩy nhanh hơn chủ thể đạt được lợi ích kinh tế mong muốn.

Lợi ích kinh tế mang tính lịch sử: Tính lịch sử của lợi ích kinh tế thể hiện qua việc nó luôn vận động và biến đổi theo thời gian, gắn với sự vận động của nhu cầu con người. Tính lịch sử đòi hỏi việc giải quyết các vấn đề phải luôn đặt trong từng hoàn cảnh cụ thể và biến đổi không ngừng.

  • Vai trò của lợi ích kinh tế

Lợi ích kinh tế giữ vai trò quyết định đến sự tồn tại và phát triển của con người, của xã hội. Khi theo đuổi lợi ích kinh tế, người lao động không ngừng tích cực làm việc để tăng hiệu quả, nâng cao tay nghề, trình độ. Chủ doanh nghiệp không ngừng nghiên cứu, tìm cách tận dụng nguồn lực, cải tiến sản phẩm dịch vụ, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của khách hàng,… nhờ vậy lợi nhuận của doanh nghiệp tăng lên, thu nhập người lao động cũng tăng theo. Do đó, thực hiện lợi ích kinh tế góp phần nâng cao đời sống con người và phát triển nền kinh tế. Đồng thời, khi lợi ích kinh tế được thực hiện thì các lợi ích khác như lợi ích chính trị, văn hóa,… mới thực hiện được, đời sống tinh thần mới được nâng cao.

Ngoài ra, khi tham gia vào các hoạt động kinh tế, các chủ thể luôn mong muốn đạt được những lợi ích kinh tế tương xứng với kết quả tạo ra, các lợi ích này sẽ góp phần gắn kết các chủ thể lại với nhau, thúc đẩy phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh.

Bài viết trên đã cho ta biết lợi ích kinh tế là gì, cũng như các đặc trưng và những vai trò to lớn của lợi ích kinh tế trong nền kinh tế thị trường. Nó có những đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế của đất nước, do vậy, lợi ích kinh tế cần được Nhà nước quan tâm và bảo vệ hơn nữa.